Đề xuất lao động nữ được nghỉ khám thai tối đa 10 lần

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 27/5. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 27/5. Ảnh: QH

Sáng ngày 27/5 Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cần hỗ trợ người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, tại khoản 5 Điều 7, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “tự nguyện” nhằm đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết 28 của Trung ương, Ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện tùy vào khả năng cân đối ngân sách của từng thời kỳ. “Vấn đề này, pháp luật về bảo hiểm y tế cũng đã có giải pháp từ những năm trước và đạt được tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế kỳ vọng”, đại biểu cho biết.

Ngoài ra, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau, với trường hợp con dưới 16 tuổi hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 44 Luật này.

Về quy định “trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu có bản tóm tắt hồ sơ bệnh án”, đại biểu đề nghị thay bằng “bản chứng hoặc bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quá trình điều trị nội trú hoặc bán trú, hoặc các giấy tờ ghi rõ ngày nhập viện”. Đồng thời đề nghị cân nhắc quy định như cũ, thay bằng “bản sao giấy báo tử” để thuận lợi cho quá trình chứng minh.

Tại khoản 1 Điều 53, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai tối thiểu là 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hướng đến an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn

Cho ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đánh giá nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Dự án Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 Chương và 147 Điều, tăng 11 điều mới và chỉnh lý ở hầu hết các điều.

Về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Trong đó Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.

Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

Theo đại biểu, về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân.

Bởi vậy, đại biểu cho rằng, thời gian tới cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. “Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội, lao động – việc làm. Đồng thời, cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật … để vượt qua khó khăn trước mắt:, đại biểu đề xuất.

Xem xét, quy định nghỉ tối đa 5 lần, đảm bảo sức khỏe lao động nữ mang thai

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre tán thành và thống nhất với đa số các nội dung của dự thảo Luật, đánh giá cao sự tiếp thu đối với những vấn đề mà ĐBQH đặt ra, góp ý tại kỳ họp thứ 6 và tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai dự thảo Luật quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai”.

Theo đại biểu, thực tế qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, có nhiều ý kiến đối với nội dung này khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sỹ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. “Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày,… phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi. Như vậy thời gian quy định như dự thảo Luật và Luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường”, đại biểu phân tích.

Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, đại biểu đề nghị cũng cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 – 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.

Về Bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu đề xuất lựa chọn Phương án 1, tức là “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, Phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án này quá trình lấy ý kiến cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.

Đại biểu cũng cho biết, về lâu dài, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội, lao động – việc làm. Đồng thời, cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật, … để vượt qua khó khăn trước mắt.

Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại; khởi kiện đối với quyết định, hành vi về BHXH của cơ quan BHXH, đại biểu cho hay, thảo Luật quy định: “Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trên có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp dưới trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết”. Đại biểu đề nghị nên tiếp tục kế thừa quy định về trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 119 Luật BHXH năm 2014 sẽ phù hợp với thực tiễn hơn, tức là giao cơ quan quản lý nhà nước về lao động (Ủy ban nhân dân các cấp) giải quyết khiếu nại lần 2 sẽ khách quan, thuyết phục hơn.

Về Tố cáo, giải quyết tố cáo về BHXH dự thảo Luật quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước năm 1995 thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh”. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh” vì chưa phù hợp và cho rằng về nguyên tắc xây dựng Luật, Luật chuyên ngành chỉ cần quy định thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết tố cáo.

Theo Khôi Nguyên/ Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam

Nguồn: https://giadinhmoi.vn/de-xuat-lao-dong-nu-duoc-nghi-kham-thai-toi-da-10-lan-d87178.html

X
/57976558/Ureka_Supply_myeva.vn_InflowMB_1x1_130623