Bà nội chăm cháu 3 ngày hết 1 hộp sữa, tôi tức tốc lắp camera liền tìm ra “hung thủ”
Mẹ chồng tôi một mực khẳng định chỉ pha sữa đúng theo lời tôi dặn nhưng không hiểu sao hộp sữa dùng 3 ngày là đã hết.
Tôi mới có một con trai hiện được 17 tháng vẫn đang ở nhà, chưa gửi đi học mẫu giáo. Thế nhưng sắp tới đây sẽ cho cháu đi học để cải thiện tình hình.
Khi con được 6 tháng tuổi, tôi bắt đầu quay trở lại với công việc. Lúc đó tôi có nhờ mẹ chồng ở dưới quê lên hỗ trợ chăm sóc cháu. Mẹ chồng ở quê không có việc gì cố định và đây cũng là đứa cháu nội đầu tiên, duy nhất nên bà sẵn lòng bỏ việc lặt vặt như đồng áng để lên chăm sóc cháu.
Suốt khoảng thời gian từ đó đến nay tôi rất biết ơn mẹ chồng vì hỗ trợ tôi chăm con giúp. Bà chủ yếu là chăm sóc cháu ban ngày còn chiều tối, khi tôi đã về là bà được nghỉ ngơi và cũng không phải làm việc nhà gì cả. Hàng ngày, chuyện ăn uống của con hầu hết là do tôi quán xuyến, sáng trước khi đi làm tôi sẽ hầm cháo cho con để bà ở nhà chỉ việc lấy ra và cho cháu ăn, chiều tối tôi về cũng sẽ đảm đương việc này.
Ảnh minh họa
Trong ngày bà sẽ cho cháu ăn xen kẽ các bữa sữa, sữa chua, hoa quả… Trộm vía hai bà cháu hợp nhau nên đứa trẻ ăn uống tốt, phát triển cũng tốt.
Thế nhưng 1 tháng đổ lại đây con bắt đầu lười ăn dần, có những ngày chẳng ăn tí cháo nào. Theo tham khảo kinh nghiệm của các mẹ nên tôi cũng quyết định phải cứng rắn hơn trong chuyện ăn uống thì con mới quay trở lại nếp ăn uống tốt như trước kia. Chính vì vậy, mỗi ngày trước khi đi ra khỏi nhà tôi đều dặn mẹ chồng:
– Mẹ ơi, nếu hôm nay cháu tiếp tục không chịu ăn cháo thì mẹ không được cho cháu uống sữa bù hay ăn bất kì món gì khác mà phải đợi đến bữa mới được ăn cháo. Đói là tự khắc nó phải ăn thôi.
Mẹ chồng cũng gật gù đồng tình với quan điểm của tôi. Thế nhưng sau khi thực hiện kế hoạch này được 1 tháng, nếp ăn uống của đứa trẻ vẫn chưa thể tốt như trước kia, thậm chí ngày càng lười ăn hơn. Vấn đề nằm ở chỗ tôi nghi ngờ mẹ chồng đã không thực hiện đúng cách như tôi bảo vì hộp sữa nhanh hết lắm. Trung bình cứ 3-4 ngày đã hết 1 hộp sữa 900gram nên tôi đã hỏi mẹ chồng:
– Mẹ ơi ban ngày có phải mẹ cho cháu uống sữa nếu không ăn cháo phải không ạ? nếu cứ cho cháu uống sữa vậy thì chắc chắn nó sẽ bỏ ăn đó.
– Không, mẹ có cho cháu uống sữa bù cháo đâu, mẹ chỉ làm đúng theo lời dặn của con mà.
Ảnh minh họa
Vậy nhưng thấy làm lạ, hộp sữa thì nhanh hết, con tôi thì vẫn lười ăn và cũng không tăng thêm cân chút nào?
Tò mò về chuyện mẹ chồng cho con tôi ăn mỗi ngày như thế nào, tôi âm thầm lắp 3 chiếc camera trong nhà, 1 chiếc ở phòng khách và 2 chiếc còn lại ở 2 phòng ngủ.
Ngay hôm đầu tiên đến cơ quan, tôi đã bật camera ra và dành thời gian cả ngày hôm đó chăm chú theo sát. Cuối cùng cũng tìm ra được “hung thủ” khiến sữa hết vèo vèo. Người đó chẳng ai khác chính là mẹ chồng tôi. Hóa ra bà đã nói dối, cứ cháu không chịu ăn cháo là bà nhanh chóng đi pha ngay 1 bình sữa lớn cho cháu uống no. Thế là các cữ sữa trong ngày cứ tăng dần, bảo sao chỉ 3 ngày là hết 1 hộp sữa.
Bực bội vì cách cho con ăn của mẹ chồng nhưng không dám nói ra vì như thế bà sẽ biết chuyện tôi lén lắp camera theo dõi bà khi ở nhà, như thế bà sẽ phật ý.
Chính vì thế tôi đành nghĩ ra cách sắp tới gửi con đi lớp để cô giáo rèn giũa, chăm sóc cho yên tâm. Chứ cứ để con ở nhà rồi ăn theo cách của bà nội, chẳng mấy chốc con tôi sẽ phải nhận hậu quả nặng nề hơn.
Tâm sự từ độc giả quyvan…
Thực tế việc cho trẻ uống sữa bù thay cho ăn uống là hoàn toàn sai cách, càng khiến tình trạng lười ăn, chán ăn của trẻ thêm trầm trọng. Để cải thiện tình trạng biếng ăn của con, cha mẹ phải tìm hiểu kĩ nguyên nhân mới có hướng “điều trị” hợp lý.
Đối với trẻ em từ 1 – 6 tuổi hiện tượng biếng ăn, chán ăn cũng khá thường xuyên xuất hiện và đa số những nguyên nhân gây biếng ăn của bé đều xuất phát từ những sai lầm trong chăm sóc. Cụ thể như sau:
– Cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh quá mức: Các bố mẹ hiện nay đang lạm dụng thiết bị điện tử thông minh để dỗ con ăn, con ngủ, con chơi…vô tình đã gây nên ảnh hưởng tới trẻ. Việc trẻ mải nghịch điện thoại, Ipad…không màng tới ăn uống hay vừa ăn vừa xem cũng gây ảnh hưởng tới trẻ. Trẻ ăn sẽ không còn cảm thấy ngon miệng, việc hấp thụ sẽ gặp vấn đề và nếu cứ như thế việc trẻ vẫn ăn đủ nhưng bị suy dinh dưỡng cũng không quá hiếm gặp, đôi khi là còn bị đau dạ dày khi còn quá nhỏ.
– Tạo thói quen xấu cho trẻ: như để trẻ ăn quá lâu, ngậm thức ăn, cơm lâu không nhai, nuốt…Những điều đó có thể khiến trẻ ngại ăn thức ăn cứng như cơm, rau, củ quả, thịt cá…chỉ muốn ăn những loại dạng lỏng dễ nuốt…
– Ép trẻ ăn bằng mọi giá: Bé từ 0 – 12 tháng tuổi tăng trưởng nhanh nhưng khi được 1 tuổi đến 2 tuổi thì tốc độ sẽ chậm dần lại. Nếu cha mẹ cứ ép trẻ ăn có thể sẽ khiến trẻ biếng ăn, sợ ăn, chán ăn và hiện tượng tâm lý này sẽ kéo dài tới khi trẻ 3 – 4 tuổi.
– Thời gian cho trẻ ăn chưa khoa học: Điều này cũng gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa của trẻ. Trẻ còn chưa kịp đói các cha mẹ đã cho trẻ ăn tiếp khiến trẻ không có cảm giác đói, no, tâm lý ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc bố mẹ thấy trẻ ăn ít, không chịu ăn nên chán không muốn đổi món, chế biến cầu kỳ…sẽ khiến trẻ không còn hứng thú với ăn uống.
-Sử dụng quá nhiều thực phẩm trong một bữa ăn của trẻ: Điều này thường xuất hiện khi trẻ ăn dặm, đang ở trong giai đoạn nhũ nhi. Các mẹ xay nhuyễn quá nhiều thực phẩm thành một hỗn hợp nghĩ là như thế sẽ đủ dinh dưỡng cho trẻ nhưng vô tình lại tạo cho món ăn có hương vị khó ăn hơn, trẻ cảm thấy không ngon, sợ ăn.
-Cho trẻ ăn quá nhiều thứ chúng thích hoặc không thích: Nhiều cha mẹ thường chiều bé, cho bé ăn món chúng thích suốt một thời gian dài bỏ qua những món ăn khác khiến dinh dưỡng bị thiếu hụt. Hoặc bắt trẻ ăn món mà chúng không thích trong một thời gian dài. Dù là món trẻ thích hay không thích thì ăn quá nhiều và quá lâu cũng sẽ khiến chúng chán ngán và không còn hứng thú trong ăn uống.
– Không khí căng thẳng trong bữa ăn cũng phần nào khiến trẻ sợ hãi, tâm lý, không muốn ăn, sợ ăn, chán ăn.
-Thiếu hụt hoặc quá thừa: Hiện tượng các bố mẹ cho trẻ ăn quá nhiều rau mà ít hoa quả cũng gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ của trẻ. Trẻ lười ăn trái cây cũng là nguyên nhân khiến trẻ thiếu hụt các Vitamin cần thiết như D, B, C, E…gây nên nhiều chứng bệnh đường miệng như viêm lợi, sưng lợi, dễ chảy máu răng miệng…gây ảnh hưởng tới hứng thú ăn uống, không khiến trẻ ngon miệng, chán ăn và sợ ăn.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan do sai lầm của các bố mẹ thì cũng có những nguyên nhân khách quan khác như:
– Trẻ đang gặp phải một số vấn đề sức khỏe: như chúng bị ốm, bị bệnh răng miệng, bị rối loạn tiêu hóa, vị nhiễm khuẩn, bị các bệnh viêm nhiễm khác…cũng ảnh hưởng tới hứng thú ăn uống của trẻ.
– Yếu tố môi trường ảnh hưởng tâm lý trẻ. Sự thay đổi hormone xảy ra khi trẻ bước sang tuổi dậy thì hay áp lực thi cử, vấn đề gia đình…cũng gây ảnh hưởng tới trẻ.
– Yếu tố sinh học và di truyền cũng là một nguyên nhân khiến bé biếng ăn.
Ảnh minh họa
Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân phải làm thế nào?
Tùy vào từng nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ mà có những cách xử lý phù hợp nhất. Tốt nhất các bố mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ và có những chẩn đoán phù hợp, cách xử lý tốt nhất.
Ngoài ra, các bố mẹ cũng có thể áp dụng một số cách chữa chứng biếng ăn ở trẻ em như sau:
– Tập cho trẻ thói quen ăn đúng giờ và nên cho trẻ ăn cùng bữa với gia đình
Không nên cho trẻ ăn trước thứ gì trước bữa ăn chính và cũng nên thông báo với trẻ trước bữa ăn từ 10 – 15 phút rằng đã sắp đến giờ ăn. Đặc biệt, tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn để trẻ ăn ngon miệng và thích thú hơn.
– Chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ
Chia nhỏ khẩu phần ăn và chia thêm cả những bữa phụ đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.
– Cho con ăn nhẹ bằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe của bé
Những loại trái cây tươi, bánh ít ngọt… đều có thể dùng cho bữa phụ của trẻ.
– Không ép buộc trẻ ăn, không la mắng khi trẻ không muốn ăn
Trong trường hợp muốn cho trẻ ăn món ăn mới, hãy cho trẻ ăn vào bữa sáng, tập cho trẻ làm quen, ăn từ từ, dần dần từng chút một.
– Tạo thực đơn đa dạng, trang trí đẹp mắt, thu hút trẻ
Nên có ít nhất một món ăn mà bé thích trên mâm cơm. Khuyến khích trẻ ăn tất cả những món ăn có trên bàn ăn với một tâm lý vui vẻ nhất.
– Trong bữa ăn, không cho trẻ uống quá nhiều nước
Việc uống quá nhiều nước khi ăn sẽ khiến bé no bụng, không còn hứng thú với món ăn. Ngoài ra, các bố mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ uống sữa đêm vì có thể sẽ gây ảnh hưởng tới bữa sáng hôm sau.
– Cho bé tham gia nấu ăn cùng
Tùy vào từng độ tuổi có thể phân việc cho trẻ. Khi trẻ được tham gia cùng chúng thường thích thú hơn, mong chờ giờ cơm hơn, hào hứng hơn rất nhiều.
– Hạn chế thời gian xem tivi, xem máy tính, điện thoại của trẻ
Điều này rất cần thiết, dứt trẻ ra khỏi những thiết bị điện tử thông minh, tập trung vào những trò vận động sẽ tăng khả năng tiêu thụ năng lượng và cần trao đổi chất nhiều hơn. Trẻ nhanh đói hơn.
– Nên khuyến khích trẻ tự ăn
Để trẻ tự xúc đồ ăn vừa giúp trẻ khám phá thêm những điều mới, hứng thú hơn với bữa cơm.
– Hãy luôn đảm bảo một bữa ăn đủ dinh dưỡng
Một bữa ăn luôn đảm bảo đủ chất, các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể cũng sẽ giúp bé có hứng thú với bữa ăn hơn. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, thịt gà, cá và các loại rau có màu xanh đậm cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu ăn của trẻ.
– Cho trẻ vận động thể chất đầy đủ
Hãy cho trẻ vận động thường xuyên, chạy bộ, nhảy dây, đuổi bắt, đá banh… tiêu thụ năng lượng tích tụ, bé vui vẻ hơn, thích thú hơn và cũng sẽ tốt cho chứng biếng ăn.
Đối với những trẻ biếng ăn do mắc phải bệnh lý, các trường hợp đặc biệt khác cần có ý kiến của các bác sĩ chuyên gia về cách xử lý. Ngoài ra, bất cứ lúc nào bố mẹ lo lắng “trẻ biếng ăn uống thuốc gì” hay “trẻ biếng ăn phải làm sao”… hay những nghi ngờ về sức khỏe của bé thì nên đưa bé tới gặp bác sĩ chuyên khoa, có những chẩn đoán chính xác và cách xử lý phù hợp nhất, tốt nhất cho bé.
Nguồn: https://tintuconline.com.vn/lam-me/ba-noi-cham-chau-3-ngay-het-1-hop-sua-toi-lap-camera-tim-hung-thu-n-599316.html