Bà ở quê nuôi cháu lớn nhanh, bà ở phố nuôi lại bị chậm lớn, bác sĩ bảo đều bởi giấc ngủ
Ở thành phố được bà cho ăn đầy đủ, bổ sung canxi các kiểu mà vẫn nhỏ xíu, về quê 2 tháng con cao thêm 5cm, kỳ lạ thật.
Đã bao giờ các mẹ gặp trường hợp, con mình ở thành phố nuôi mãi, cho ăn bao nhiêu thứ bổ dưỡng mà vẫn gầy nhom. Đến lúc gửi về quê chơi với bà 1, 2 tháng, lúc lên con tăng cân, còn cao thêm, nhìn suýt không nhận ra con không. Em gặp rồi các mẹ ơi, phải nói là nó lạ lắm, về quê toàn ăn cơm với rau cá mà con lại lớn vùn vụt. Chắc bà nuôi cháu giỏi hơn mẹ nuôi con rồi.
Nhưng trường hợp này không phải hiếm. Em có đọc được bài chia sẻ nuôi con trên trang nước ngoài. Họ có đưa trường hợp bà ở quê nuôi cháu lớn nhanh hơn bà ở phố. Vấn đề nằm ở cách sinh hoạt ở quê, cụ thể là trẻ lớn nhanh phụ thuộc vào giấc ngủ.
Về quê với bà 2 tháng, con cao thêm 5 cm
Chị Linh (tên nhân vật đã thay đổi) sau khi tốt nghiệp thì lấy chồng, sinh con và ở cùng nhà mẹ chồng trên thành phố. Bình thường hai vợ chồng đi làm suốt nên cháu một tay bà nội trông nom. Bà thương cháu lắm, lo lắng cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ.
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: DDN
Con trai chị Linh được bà nội cho ăn uống đủ chất, cân đối, ngày nào cũng uống sữa, thậm chí còn bổ sung canxi. Cuối tuần, bà thường đưa con đi công viên chơi. Thoải mái cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng không hiểu sao thằng bé vẫn chậm lớn. Điều này khiến chị và mẹ chồng rất lo, cứ tới tấp bắt con uống sữa.
Đợt nghỉ vừa rồi, chị cho con trai về quê chơi với bà ngoại. Ở nhà bà ngoại chỉ có ngô, khoai, ngũ cốc, không có sữa hay đồ bổ cho con. Mỗi ngày con cũng không đi công viên mà thay vào đó chạy nhảy với bọn trẻ hàng xóm. Buổi tối ở quê cũng chán, không có gì chơi hay xem nên thay vì 11 giờ đêm thì mới 8 giờ 30 tối là con chị đi ngủ, đến 7 giờ sáng hôm sau dậy.
Đợt rồi chị đón con trai về xém chút không nhận ra vì con đen thui và cao hơn. Chị đưa con khám sức khỏe, đo cân nặng, chiều cao thì phát hiện con cao đến tận 114cm. Tức là chỉ trong 2 tháng ở nhà bà ngoại, con trai cao thêm 5cm, đã bắt kịp với các bạn cùng tuổi, không còn thấp bé nữa.
Sau khi tìm hiểu, bác sĩ cho biết có thể nguyên nhân dẫn đến con chị lớn nhanh, tăng vụt chiều cao là do giấc ngủ. Do lúc ở thành phố, bé hay ngủ muộn, thiếu ngủ khiến lượng hormone tăng trưởng của trẻ tiết ra ít hơn, dẫn đến còi cọc chậm lớn. Về quê, ngày con chạy chơi, tối về mệt nên ngủ ngon, lại còn ngủ sớm, đủ giấc. Hormone tăng trưởng của trẻ tiết ra đầy đủ, tự nhiên trẻ sẽ nhanh lớn hơn.
Vậy không phải do bà ngoại nuôi cháu giỏi hơn bà nội mà là do giấc ngủ của con. Về giấc ngủ thì không thể trách bà nội, vì tối chị đi làm về, chị sẽ cho con ăn và dỗ con ngủ. Con ngủ muộn là do vợ chồng chị nuông chiều.
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: zh – toutiao
Số tiếng ngủ mỗi đêm cần thiết cho phát triển theo số tuổi của trẻ
Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ em, nhất là trong độ tuổi đang phát triển chiều cao, trí não. Tùy từng độ tuổi mà con cần giấc ngủ dài ngắn khác nhau.
1. Em bé 0 – 3 tháng tuổi
Bé giai đoạn này thường ngủ 14 – 17 tiếng mỗi ngày, tốt nhất là không dưới 11 tiếng và không quá 19 tiếng. Đây là thời điểm trẻ phát triển nhanh nhất, thường 1 tháng sẽ tăng thêm 2 ký và 4 cm chiều cao.
2. Trẻ sơ sinh 4 – 11 tháng
Ngủ 12 – 15 giờ một ngày là bình thường, miễn là không dưới 10 giờ và không quá 18 giờ. Lúc này giấc ngủ buổi tối của bé sẽ dài hơn và ngủ ít hơn vào ban ngày.
3. Trẻ 1 – 2 tuổi
Ngủ 11 – 14 giờ mỗi ngày, không ít hơn 9 giờ, không quá 16 giờ. Ban ngày thường ngủ 2 – 3 giấc nhưng chủ yếu là ban đêm sẽ lâu hơn.
4. Trẻ em từ 3 – 5 tuổi
Ngủ 10 – 13 giờ mỗi ngày, không ít hơn 8 giờ, không quá 14 giờ. Lúc này chỉ ngủ một giấc trưa vào ban ngày, còn lại là vào ban đêm. Thời gian ngủ trưa cũng sẽ giảm dần theo độ tuổi.
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: DDN
4 trường hợp báo hiệu con đang thiếu ngủ
Khi trẻ mắc phải 4 dấu hiệu sau có nghĩa là trẻ ngủ không đủ giấc, sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển, thậm chí là khả năng miễn dịch của trẻ.
1. Đột nhiên mất bình tĩnh
Con đang chơi vui mà đột nhiên mất bình tĩnh vô cớ, la hét, khóc, thậm chí là cào cấu, cắn thì có thể con bị thiếu ngủ.
2. Rất buồn ngủ nhưng không chịu ngủ
Có khi con đang ăn cũng nhắm tít cả mắt nhưng mẹ bế lên giường, lên võng cho ngủ là lại cáu, la, lăn lộn. Nếu tình trạng kéo dài có thể con sẽ bị thiếu ngủ.
3. Khó đi vào giấc ngủ
Thường phải dỗ con rất lâu con mới chịu ngủ, đây cũng là dấu hiệu của thiếu ngủ, ngủ không ngon.
4. Dễ bị tỉnh giấc giữa chừng
Thông thường, chu kỳ giấc ngủ của trẻ khoảng 50 phút, khoảng một nửa thời gian trẻ ngủ sâu, nửa thời gian đó trẻ nửa tỉnh nửa ngủ nhưng nhìn chung con vẫn sẽ ngủ ngoan. Nếu trẻ thức dậy chỉ sau 20 phút ngủ, trẻ thường bị thiếu ngủ.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ nhỏ, trẻ lớn nhanh phụ thuộc giấc ngủ. Không chỉ vậy, ngủ đủ còn giúp con tăng sức đề kháng, phòng ngừa ốm vặt và phát triển trí não tối ưu.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, thông tin tham khảo DDN