Bé trai không mũm mĩm bằng con nhà hàng xóm, mẹ đưa đi khám liền được bác sĩ nhắc “Phụ huynh mới cần chữa”

Dù con ăn uống bình thường, có chiều cao, cân nặng đạt chuẩn cha mẹ vẫn đưa con đi khám tâm lý khi thấy con mình không mũm mĩm, cân nặng không bằng con hàng xóm khiến bác sĩ chỉ biết lắc đầu khuyên: "Đừng so sánh với con nhà người ta".

Con có cân nặng không bằng con hàng xóm, cha mẹ đưa đi khám

Lâu nay, ngành y tế luôn có khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi thấy con có các biểu hiện bất thường về sức khỏe. Thế nhưng, khi trẻ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần mà vẫn bị cha mẹ đưa đi khám là điều không nên. Bởi nó không chỉ gây tốn kém, mà còn mất thời gian của cả phụ huynh và các y bác sĩ.

Mới đây, Ths.BS Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã chia sẻ trường hợp bé Hoàng Anh Quân được cha mẹ đưa đi khám tâm lý do “biếng ăn”.

5 nguyên tắc khi đưa con đi khám bệnh - Tuổi Trẻ Online

Theo các bác sĩ, trẻ có sức khỏe bình thường mà vẫn bị đưa đi khám bệnh là điều không nên. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Triết cho biết, đã có nhiều trẻ biếng ăn phải khám tâm lý trong tình trạng “sợ ăn” thật sự khi bị ba mẹ lo lắng, ép ăn bằng mọi cách. “Với trẻ gặp phải tình trạng này, cần một thời gian dài để điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, thời gian hay thói quen ăn uống của cả gia đình. Ngoài ra, còn cần kết hợp với điều trị tâm lý cho phụ huynh và trẻ mới có thể giải quyết triệt để được tình hình”, bác sĩ Triết chia sẻ.

Nhưng với trường hợp của của bé Quân thì hoàn toàn khác. Bác sĩ Triết cho biết, bé trai này ăn uống bình thường, cân nặng và chiều cao cũng đạt chuẩn so với tuổi. Tuy nhiên, thấy con hàng xóm bằng tuổi bé Quân mũm mĩm, trông đáng yêu hơn, cha mẹ bé tự chẩn đoán con mình không nặng bằng con hàng xóm vì biếng ăn do tâm lý. Vì vậy, họ đưa con đi khám tâm lý để được điều trị sớm, tránh hệ quả về sau.

Bác sĩ Triết cho biết, bé Quân cũng được làm các bài đánh giá như những trẻ biếng ăn do tâm lý nhưng đều cho kết quả bình thường. “Vấn đề ở đây là, cha mẹ bé đã mong con quá mức”, bác sĩ Triết nói.

Đừng so sánh trẻ với con nhà hàng xóm

Theo BS.CKII Hoàng Thị Thanh Thủy, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1, biếng ăn là tình trạng giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn ở trẻ. Khi gặp tình trạng này trẻ sẽ không nhận đủ lượng thức ăn theo nhu cầu. Nếu biếng ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.

Trẻ biếng ăn không chỉ bị suy dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Ảnh minh họa.

“Biếng ăn ở trẻ có nhiều mức độ. Có thể trẻ ăn ít hơn so với bình thường, chỉ ăn rất ít một vài loại thức ăn hoặc nặng hơn là từ chối ăn, sợ và nôn ói khi nhìn thấy thức ăn”, bác sĩ Thủy chia sẻ.

Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn thường do có những thay đổi sinh lý trong giai đoạn trẻ biết lật, biết bò, biết đi, mọc răng hay đang mắc các bệnh thường gặp. Trẻ cũng có thể biếng ăn do thức ăn không hợp với lứa tuổi hoặc sai lầm trong cách chế biến như sử dụng các loại nước xương hầm, các loại khoai củ hoặc quá nhiều chất đạm sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, trẻ được chăm sóc, cưng chiều quá mức hoặc ngược lại là cha mẹ do quá bận rộn với công việc, thường xuyên phải đi công tác xa, mọi việc giao cho người chăm sóc cũng gây nên tình trạng biếng ăn.

Khi trẻ biếng ăn, nếu cha mẹ quát mắng, dọa dẫm, trẻ thêm sợ hãi và càng biếng ăn hơn, tâm lý cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo các bác sĩ, trong suốt quá trình nuôi dạy con nhỏ, cha mẹ nào cũng dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Thế nhưng lo lắng quá, hay lấy con nhà hàng xóm, người quen… để so sánh với con mình là không nên. Các bác sĩ khuyến cáo, khi nuôi và chăm sóc con nhỏ, cha mẹ cần:

– Tham khảo và hiểu ý nghĩa các mốc phát triển bình thường của trẻ để biết và hiểu rõ, tránh lo lắng không hợp lý về sự phát triển của con mình.

– Tránh so sánh con mình với “con nhà người ta”. Cha mẹ cần nhớ rằng, ngay cả khi cùng một lứa tuổi, một trẻ có thể chậm hơn bạn ở lĩnh vực này nhưng lại phát triển hơn ở một lĩnh vực khác.

Trình bày các món ăn sinh động có thể giúp trẻ thích ăn. Ảnh minh họa.

– Mốc phát triển của trẻ, giống như cân nặng và chiều cao, là một khoảng dao động, không phải một điểm. Nghĩa là, có trẻ sẽ làm được hầu hết những nội dung trong độ tuổi của mình, có trẻ chỉ mới bắt đầu làm được vài nội dung nhưng vẫn được xem là phát triển phù hợp tuổi.

– Nên tạo bầu không khí vui vẻ, phấn khích trong khi ăn, chế biến thức ăn đa dạng về chủng loại, màu sắc và mùi vị. Nên tăng sự thích thú vớit ăn uống của trẻ qua các trò chơi, câu chuyện kể mà trẻ yêu thích.

– Dù trẻ ăn được khối lượng thức ăn ít nhưng vẫn không sụt cân nếu bà mẹ tăng cường thêm 1 muỗng canh chất béo (dầu ăn, mỡ) vào mỗi bữa ăn, hoặc chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ vào những thời điểm khác nhau mà không nhất thiết phải ăn hết khẩu phần cùng một lúc.

– Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn chính vì sẽ tạo cảm giác no giả và trẻ sẽ bỏ bữa.

– Tránh căng thẳng, la mắng, đánh đập. Không ép trẻ ăn bằng mọi cách kể cả đè trẻ ra nhét thức ăn vào miệng.

– Không tự ý dùng thuốc cho trẻ vì phải tìm đúng nguyên nhân biếng ăn thì thuốc mới có tác dụng, nếu không có thể trẻ sẽ biếng ăn hơn.

* Tên bệnh nhi trong bài đã được thay đổi.

Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/be-trai-khong-mum-mim-bang-con-nha-hang-xom-me-dua-di-kham-lien-duoc-bac-si-nhac-phu-huynh-moi-can-chua-a610113.html

script async src="https://securepubads.g.doubleclick.net/tag/js/gpt.js">
X