Cúm A khác gì so với các loại cúm B, C? Những dấu hiệu trẻ mắc cúm A cần đưa đến viện ngay

Với trẻ nhỏ, khi xuất hiện bệnh đều diễn biến khá nhanh do hệ miễn dịch chưa đầy đủ. Bố mẹ cần biết những triệu chứng điển hình để đưa con đi khám và hỗ trợ ngay khi cần thiết.

Bài viết dưới đây là hướng dẫn của TS. BS nhi khoa Lê Thị Thu Hương, BV Đại học Y Hà Nội:

Thời tiết thay đổi liên tục khiến trẻ em dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có cúm A. Bản chất bệnh lành tính nhưng lại dễ lây lan, gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Bác sĩ Nhi khoa Lê Thị Thu Hương.

Cúm là bệnh gì?

Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do nhiều loại virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh. Triệu chứng điển hình của cúm gồm sổ mũi, đau họng, ho, đau nhức cơ, nhức đầu, sốt.

Có ba nhóm virus gây bệnh cúm chính là A, B và C. Loại A, B gây ra dịch cúm hàng năm. Trong đó, cúm A thường diễn biến phức tạp, dẫn tới nhiều biến chứng ở trẻ nhỏ. Loại C cũng dẫn tới bệnh cảm cúm nhưng các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Virus lây truyền qua không khí bằng con đường hít thở thông thường. Nó xâm nhập vào cơ thể qua màng nhầy của mũi, mắt hoặc miệng. Mỗi khi chạm tay vào những bộ phận này bạn có thể tự lây nhiễm virus. Đó là lý do vì sao các chuyên gia y tế luôn khuyến cáo mọi người nên rửa đúng cách, giữ tay sạch sẽ để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh mắc bệnh.

Thế nào là cúm A, cúm B và cúm C?

Cúm A

Là bệnh phổ biến nhất do virus cúm A gồm các chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Không chỉ lây giữa người với người, loại này còn có khả năng lây nhiễm cho động vật. Và các loài chim hoang dã thường đóng vai trò là vật chủ cho virus.

Virus cúm A liên tục thay đổi và thường gây ra dịch lớn. Virus loại A2 (và các biến thể khác) lây lan bởi những người đã bị nhiễm bệnh. Các điểm trú ngụ của mầm bệnh phổ biến nhất là những bề mặt mà người bệnh đã chạm vào. Hoặc những không gian mà bệnh nhân đã lưu trú thời gian gần đây, đặc biệt sau khi người nhiễm virus cúm hắt hơi.

Cúm B

Khác với bệnh cúm do virus loại A gây ra, cúm B chỉ được tìm thấy ở người. Đây là loại virus lành tính, đa phần người bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi. Tất nhiên vẫn có trường hợp bị đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Virus loại B không gây ra đại dịch.

Cúm C

Gây ra bởi virus loại C, rất ít gặp và luôn nhẹ hơn các trường hợp do virus nhóm A, B. Bệnh có các triệu chứng lâm sàng không điển hình và chúng cũng không gây dịch.

Trẻ có triệu chứng bất thường cần được đưa tới viện ngay để tránh biến chứng nặng. (Ảnh minh họa)

Tiêm vắc xin có phòng tránh được cúm A không?

Bệnh cúm hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vắc xin. Các chủng virus biến đổi từng năm, vì thế, mỗi người cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm nhằm đảm bảo miễn dịch với bệnh tốt nhất.

Trước đây, các loại vắc xin bảo vệ con người chống lại 3 loại virus, gồm A/H1N1, A/H3N2 và virus nhóm B. Hiện tại thì các mũi tiêm phòng thường bao gồm tối đa bốn chủng: 2 virus nhóm A và 2 virus nhóm B. Vẫn chưa có vắc xin phòng cúm gia cầm (A/H5N1). Khoảng hai tuần sau khi tiêm phòng, các kháng thể có vai trò chống lại virus sẽ phát triển trong cơ thể bạn. Thời điểm tốt nhất để tiêm vắc xin là trước khi vào mùa cúm. Nên tiêm càng sớm càng tốt ngay khi có vắc xin mới của năm đó.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiêm phòng vắc xin làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh đến 70 – 80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80% – 90%. Nghĩa là bạn vẫn có thể bị virus cúm tấn công sau khi đã tiêm phòng. Thực tế, không có vắc xin nào cho hiệu quả bảo vệ tuyệt đối. Nhưng nếu có mắc bệnh chỉ ở thể nhẹ. Việc tiêm phòng sẽ giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm, nhất là khi dịch bệnh bùng phát.

Những biểu hiện của bệnh cúm A cần đưa trẻ đến cơ sở y tế

Cúm A nói chung thường có những biểu hiện giống cúm thông thường. Tuy nhiên, bệnh kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Vì thế, cần theo dõi khi trẻ có những biểu hiện bất thường sau nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và có hướng điều trị kịp thời:

– Sốt cao liên tục trên 38.5-39 độ C.

– Có biểu hiện đau đầu, đau cơ.

– Ho, đau họng, đau nhức cơ bắp.

– Một số bệnh nhi có triệu chứng buồn nôn, khó thở.

– Khi bệnh có chuyển biến nặng thường bị tức ngực, tim đập nhanh.

Với trẻ nhỏ, khi xuất hiện bệnh đều diễn biến khá nhanh do hệ miễn dịch chưa đầy đủ. Khi trẻ có một trong các biểu hiện trên, nên đưa trẻ đi khám, xét nghiệm. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, trẻ dễ bị viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo giadinhmoi

X
/57976558/Ureka_Supply_myeva.vn_InflowMB_1x1_130623